PHẦN 5: CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Công tác phòng cháy, chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội. Có thể nói ít loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Trong đó nguyên nhân dẫn đến cháy ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người không được phát hiện xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội.
Để phòng chống nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, người dân thực hiện nội dung phòng cháy chữa cháy như sau:
- Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
- Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.
- Kiểm tra hệ thống điện, khắc phục các hỏng hóc có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện, các dây dẫn vỏ cách điện bị rạn nứt phải thay thế.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp ga, dùng nước xà phòng để kiểm tra độ kín của bình và dây dẫn ga, thay mới các ống dẫn ga đã bị rạn nứt, hư hỏng. Khi phát hiện có rò rỉ ga, hoặc ngửi thấy mùi ga tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp, đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ. Nếu vị trí rò rỉ là trên đường ống dẫn ga chỉ cần khóa van tổng của bình ga là an toàn, nếu vị trí rò rỉ ở cổ van hoặc thân bình dùng xà phòng cục nhét vào vị trí bị rò rỉ, sau đó dùng dây cao su buộc chặt và chuyển bình ga ra khu vực an toàn, gọi đại lý bán ga đến thu hồi bình, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình.
- Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương, đèn phải cách trần tối thiểu 0,5m và không để các đồ dễ cháy tại nơi đốt hương, đèn; vách và trần nhà tại nơi thờ cúng nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; đèn, bát hương khi thắp cần đặt chắc chắn trên mặt phẳng để tránh bị đổ vỡ; không nên thắp đèn, hương khi đi ngủ hoặc không có người trông coi; khi đốt vàng mã phải có người trông coi; nơi đốt vàng mã cần được che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa.
- Cần đảm bảo an toàn trong lắp đặt, sử dụng hệ thống điện gia đình; các thiết bị sử dụng có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng.
Kiểm tra và tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.
Khi lắp đặt các thiết bị điện sinh nhiệt lớn (đèn sưởi, quạt sưởi, lò nướng…) cần có khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy.
- Người dân không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, không lấn chiếm lối thoát nạn.
- Các hộ gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình như: Bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ phòng độc.